Tham dự buổi làm việc về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên và Văn phòng Bộ.
Tham dự buổi làm việc về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên và Văn phòng Bộ.
Dù thời gian qua dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng phong trào thanh niên một mặt đảm bảo chủ đề công tác "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" mặt khác đã để lại nhiều dấu ấn trên mặt trận phòng chống dịch ra sao, thưa anh?
Với chủ đề công tác "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", các cấp bộ Đoàn không chỉ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với chủ đề công tác năm, mà bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn ra phức tạp, phát huy các kết quả đạt được trong năm 2021, phong trào thanh niên trên mặt trận phòng chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, khẳng định tính tiên phong, xung kích và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên với những vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có nhiều hoạt động kịp thời chung tay cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.
Trong năm 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp bộ Đoàn đã tập trung chung tay với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức vận động cán bộ Đoàn, đoàn viên, sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ hệ thống y tế trong công tác điều trị, khám chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; thành lập và duy trì hoạt động gần 10.000 đội hình thanh niên tình nguyện "Chốt giao thông - lưu thông hàng hóa", "Phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm"; đội hình trực các chốt kiểm soát; hỗ trợ hậu cần tại các khu cách ly; tham gia hỗ trợ công tác lấy máu xét nghiệm sàng lọc COVID-19; đội hình hỗ trợ chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19...
Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn Đoàn phát động và triển khai phong trào thi đua đặc biệt "Tuổi trẻ Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19". Cấp Trung ương tổ chức nhiều chương trình thiết thực, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch", "Triệu bữa cơm", "Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch", "Triệu túi an sinh", "Triệu ly sữa và hành trình của những cuốn sách", "Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch", "Hát để sẻ chia", "Góp triệu ngôi sao", "Nối vòng tay thương", "Cùng em học trực tuyến"...
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp gây áp lực lớn cho y tế cơ sở. Trên cơ sở Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc tăng cường triển khai, đẩy mạnh hoạt động và phát huy vai trò của Mạng lưới thầy thuốc đồng hành trên phạm vi cả nước và xây dựng đội hình tình nguyện là F0 khỏi bệnh chăm sóc bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
Có thể nói, chúng tôi tự hào khi những cố gắng nêu trên của các cấp bộ Đoàn trong công tác phòng, chống dịch đã góp phần cùng chính quyền các cấp hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, giảm tỉ lệ tử vong, hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch, qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc làm của thanh niên, vì vậy tổ chức Đoàn có coi việc hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp, lập nghiệp tiếp tục phải là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới hay không?
Mỗi giai đoạn hình thành, xây dựng, phát triển của quốc gia đòi hỏi thanh niên những sứ mệnh, nhiệm vụ khác nhau tham gia bảo vệ và phát triển đất nước. Khi đất nước bị xâm lăng, chia cắt thì sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh niên là tham gia đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khi đất nước hòa bình, tôi cho rằng sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh niên là lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp.
Lập thân, lập nghiệp không chỉ bao hàm việc phát triển kinh tế, mà còn là nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, đóng góp tốt nhất cho xã hội thông qua công việc mình đang làm. Và khởi nghiệp để không chỉ tạo được công việc cho bản thân mình, mà còn góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, tham gia phát triển kinh tế đất nước. Mỗi thanh niên có việc làm, mỗi lao động trẻ có chuyên môn sâu, mỗi doanh nhân trẻ thành đạt cũng chính là đang tham gia bảo vệ đất nước một cách tốt nhất thông qua phát triển kinh tế đất nước, nâng cao sức mạnh, vị thế của quốc gia, dân tộc.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng đã xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 là Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, tổ chức Đoàn xác định việc đồng hành với thanh niên trong tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ XI sắp hoàn thành, không chỉ trong nhiệm kỳ XII sắp tới, không chỉ trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mà sẽ luôn là sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức Đoàn đối với Đảng, đất nước và thanh niên Việt Nam.
Trong giai đoạn 2017-2022, các cơ sở Đoàn đã tổ chức được 1.453 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút tổng cộng hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia, đã có gần 13.900 ý tưởng khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Đoàn thanh niên các cấp tổ chức. Hiện nay, cả nước có hơn 4.500 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế với hơn 43.600 thành viên; hơn 85.000 hộ thanh niên nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. Đoàn Thanh niên đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Đoàn là trên 3.500 tỷ đồng với hơn 47.000 hộ đoàn viên, thanh niên gần 1.200 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bên cạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên thì lựa chọn cơ cấu ngành nghề hợp lý và phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các địa phương được đặt ra như thế nào, thưa anh?
Nhu cầu của thị trường và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giáo dục, đào tạo và lựa chọn ngành nghề cho thanh niên.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số sẽ khiến một số ngành nghề bị mất đi nhưng cũng tạo ra nhiều ngành nghề mới. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay công nghiệp văn hóa hiện còn rất nhiều không gian phát triển tại Việt Nam do đó sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực ngành nghề mới, công việc mới cho thanh niên thay thế cho một số loại hình công việc truyền thống.
Nhiều địa phương tại Việt Nam, căn cứ thực tiễn phát triển của đất nước cũng đã xây dựng, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, đẩy mạnh tỷ trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ thay cho nông nghiệp truyền thống, vì vậy cũng đỏi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng với sự điều chỉnh chiến lược phát triển này.
Qua những phân tích nêu trên, có thể nói bên cạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên như hiện nay thì việc định hướng, hỗ trợ thanh niên lựa chọn cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các địa phương là hết sức quan trọng. Đây là một nhiệm vụ mà tổ chức Đoàn xác định sẽ cần tiếp tục tập trung phối hợp với các bộ, ngành, đối tác liên quan triển khai để giúp thanh niên nhận biết xu hướng nghề nghiệp trong tương lai; nuôi dưỡng lòng đam mê nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, nền tảng tư duy, tác phong nghề nghiệp tốt đồng thời cũng trang bị đầy đủ, kịp thời thông tin, tri thức, kỹ năng phù hợp với ngành nghề mà mình lựa chọn.
Nhiều đoàn viên, thanh niên đã lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương chứ không còn đặt giấc mơ nơi đô thị lớn nữa. Tổ chức Đoàn cơ sở đã góp phần định hướng các trường hợp này ra sao?
Tổ chức Đoàn thanh niên các cấp luôn khuyến khích, hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Các cấp bộ Đoàn đã triển khai hiệu quả các chương trình định hướng, cung cấp thông tin về những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những ưu đãi, hỗ trợ của địa phương để thanh niên căn cứ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công việc hiện có nghiên cứu, quyết tâm lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp và khởi sự kinh doanh tại mảnh đất quê hương.
Khi thanh niên mới bắt đầu sản xuất kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều thách thức như không có kiến thức về quản trị doanh nghiệp, thiếu vốn, công nghệ, thiếu hiểu biết về pháp luật liên quan đến kinh doanh, thiếu kinh nghiệm tiếp thị sản phầm chưa có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Để hỗ trợ thanh niên vượt qua những thách thức trên, các cấp bộ Đoàn đã triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế như tổ chức các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, các khóa đào tạo nâng cao kiến thức kinh doanh; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ thanh niên lập hồ sơ vay vốn, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế thành công; thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên làm kinh tế; tập huấn, đào tạo kiến thức về tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử cho thanh niên.
Nhiều tỉnh, thành Đoàn đã thành lập đơn vị chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương như "Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp", hay "Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp" để tổ chức tư vấn và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Những nỗ lực trên của các cấp bộ Đoàn đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thanh niên ở lại hoặc quay về địa phương sau khi tốt nghiệp để làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp. Chúng tôi xác định đây là một nội dung cần phải kiên trì, bền bỉ triển khai và còn nhiều mặt cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn trao quà cho các bác sĩ trong Chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch".